Chăn nuôi bò sữa Công nghệ cao tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản

Chăn nuôi bò sữa Công nghệ cao tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản

Ngày đăng: 12/07/2023 03:06 PM

    Phan Hoàng Ân, Diệp Tấn Toàn -
     
    Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản

     

     

       Trại Trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) là Dự án hợp tác giữa Trung tâm hợp tác Quốc tế (MASHAV), thuộc Bộ ngoại giao Israel và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (trước đây là Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi).

       Đây là Dự án hỗ trợ kỹ thuật, trong đó phía Israel hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật, phần mềm quản lý và cử các chuyên gia trực tiếp tham gia công tác huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam dưới hình thức “chìa khóa trao tay”.

       Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, trên nền tảng con giống bò sữa tại địa phương; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để từng bước nâng cao hiệu quả cho các nông hộ chăn nuôi bò sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

       Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2013 - 2017).

       Ngày 27 tháng 8 năm 2013, được sự chấp thuận của UBND thành phố và Đại sứ quán Israel tại Việt nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Lễ khánh thành Trại DDEF và dự án chính thức đi vào hoạt động.

       - Tháng 11/2012 - tháng 12/2016, Chuyên gia kỹ thuật của Israel làm việc trực tiếp tại Trại DDEF.

       - Từ tháng 1/2017 đến nay, các hoạt động của trại DDEF hoàn toàn do cán bộ kỹ thuật và lao động của Việt Nam vận hành.

        I. Quy trình, công nghệ mới đã được ứng dụng tại trại trình diễn, thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF)

       a) Hệ thống phần mềm quản lý đàn bò sữa (Afifarm): Hệ thống Afifarm bao gồm 2 phần: Afi-act giúp phát hiện bò lên giống và Afi-milk giúp kiểm soát hoạt động khai thác sữa. Hệ thống này được kết nối với chíp điện tử được gắn trên mỗi cá thể bò để ghi nhận một cách chi tiết, cụ thể, chính xác từng thông tin liên quan đến các hoạt động sinh trưởng, sinh sản, phối giống, sức khỏe và năng suất, chất lượng sữa trên từng cá thể bò trong suốt vòng đời khai thác.

       b) Hệ thống phần mềm tính toán khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (Total Mixed Ration) và phương pháp cho ăn TMR.

       Việc quản lý nguồn thức ăn cung cấp cho các nhóm bê, bò sữa được thực hiện trên 2 phần mềm: Phần mềm Feeding Management quản lý dữ liệu số lượng từng loại nguyên liệu sử dụng cho từng nhóm bò hàng ngày và Phần mềm Ration All dùng để tính toán và chọn khẩu phần. Dữ liệu từ 2 phần mềm này sẽ được kết nối với hệ thống TMR gồm: bồn trộn và bộ phận điều khiển Feedtrol giúp kiểm soát số lượng thức ăn cho từng nhóm bò.

       c) Hệ thống làm mát cho bò: Thực hiện quy trình làm mát trực tiếp trên bò sữa bằng hệ thống làm mát tại khu vực chuồng nuôi và khu vắt sữa bằng hệ thống quạt-phun sương và quạt gió. Để khắc phục tình trạng “stress nhiệt” trên bò sữa khi chăn nuôi trong điều kiện nóng, độ ẩm cao làm giảm sức sinh sản và khả năng sản xuất sữa.

       d) Hệ thống vắt sữa: Hệ thống vắt sữa khép kín kết nối với bồn trữ sữa làm lạnh, tránh nhiễm vi sinh trong quá trình vắt sữa, có hiển thị thông tin về lượng sữa, vận tốc dòng sữa của từng cá thể bò, hệ thống này kết nối với phần mềm Afifarm giúp quản lý đàn.

       II. Kết quả hoạt động Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF)

       1. Tổng đàn – sản lượng sữa

       Hiện tại số lượng đàn bò là 205 con, trong đó có 127 cái sinh sản (chiếm tỷ lệ 62% tổng đàn), tơ gieo tinh 37 con (chiếm 18% tổng đàn). Trong đó, có 84 con đang vắt sữa (chiếm 66% cái sinh sản), còn lại là bê con, bê tơ lỡ. Năng suất sữa bình quân đạt 24,5 kg/cái vắt sữa/ngày; tổng sản lượng sữa khai lũy kế từ năm 2013 đến nay ước đạt 5.210 tấn. So sánh năng suất giữa đàn đàn bò sữa tại địa phương nhập về nuôi tại trại và đàn bò sữa được lai tạo từ nguồn tinh cao sản Israel.

       - Đối với đàn bò sữa tại địa phương nhập về nuôi tại trại (120 con): năng suất được cải thiện từ 12kg/con/ngày nay đạt bình quân 18,5 kg/con/ngày;

       - Đối với đàn bò sữa được lai tạo từ nguồn tinh cao sản Israel ( 110 con): năng suất của đàn bò đạt kết quả như sau:

       + Lứa 1: Năng suất đạt trên 21,5 kg/con/ngày;

       + Lứa 2: Năng suất đạt 24 - 25 kg/con/ngày;

       + Lứa 3: Năng suất đạt 26 - 28 kg/con/ngày;

       - Sản lượng sữa bình quân lứa 1 đạt 6.557kg/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 21,5 kg/con/ngày (cao hơn năm 2016 là 6.066 kg/chu kỳ, tương đương 19.89 kg/con/ngày). Đỉnh sữa bình quân đạt 28.75kg.

       - Sản lượng sữa bình quân lứa 2 đạt 7.685 kg/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 25,2 kg/con/ngày. Đỉnh sữa bình quân đạt 32,38 kg. Thời gian khai thác sữa ở đỉnh cao kéo dài >60 ngày.

       - Sản lượng sữa bình quân lứa 3 đạt 8.609kg/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 28,22 kg/con/ngày cao hơn 2016 là 8.108 kg/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 26,58 kg/con/ngày.

       - Về chất lượng sữa: chất lượng sữa ổn định, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Vinamilk: hàm lượng vật chất khô (không béo) trong sữa > 8,6%; hàm lượng béo đạt từ 3,5 - 3,6%; tế bào Soma trong sữa: 300.000 – 500.000 tế bào/ml (tiêu chuẩn của Vinamilk là vật chất khô (không béo): 8,6%; béo: 3,4%; tế bào Soma: < 550.000 tế bào/ml).

       - Công tác thú y cũng được kiểm soát chặt chẽ, áp dụng quy trình tiêm phòng vaccine cho các bệnh: tụ huyết trùng 2 lần/năm, lở mồm long móng 3 lần/năm, viêm da nổi cục 1 lần/năm. Đẩy mạnh công tác gieo tinh phối giống cho đàn bò với các dòng tinh mới, tinh phân lập giới tính để phát triển quy mô đàn và cải thiện chất lượng con giống. Ngoài ra, hàng tháng còn thực hiện quy trình phòng nội, ngoại ký sinh trùng; tiêu độc sát trùng chuồng trại. Từng bước hoàn thiện quy trình điều trị các bệnh thường gặp trên bò sữa, tăng hiệu quả công tác điều trị.

       2. Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thử nghiệm thức ăn TMR theo công nghệ của Israel cho các hộ chăn nuôi sữa trên địa bàn thành phố

       Thông qua tư vấn của chuyên gia Israel đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trực tiếp cho người nông dân, các hộ chăn nuôi và các cán bộ kỹ thuật của trại DDEF, hiện nay trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn có trên 40 hộ quy mô đàn 30- 50 con đã được thành phố hỗ trợ đầu tư các thiết bị (máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, hệ thống quạt phun sương…) và 30 hộ sử dụng phương thức cho ăn TMR trên toàn đàn bò sữa của nông hộ. Trung tâm đã tiếp cận và tư vấn công thức trộn, phương pháp cho ăn TMR, đồng thời khuyến cáo cải thiện hệ thống làm mát tại trang trại, cụ thể:

       - Về tăng trọng của bò khi cho ăn theo khẩu phần TMR Israel đạt tăng trọng đạt 600 - 700gam/con/ngày (đối chứng cho ăn theo nông dân đạt 370gam/con/ngày; 70% nhóm bò thử nghiệm có điểm thể trạng được cải thiện từ 0,25 – 0,5 so với lúc đầu.

       - Về năng suất sữa: Kết quả bước đầu tại các hộ tham gia thử nghiệm, năng suất sữa trên đàn bò đang vắt sữa đạt từ 16 – 19 kg/con/ngày (đối chứng: 13 – 15,7 kg/con/ngày).

       Bước đầu đã góp phần cải thiện năng suất sữa bình quân tăng lên 2 – 3,3 kg/con/ngày, thể trạng bò được cải thiện rõ rệt và nhiều bò đã đậu thai trở lại sau thời gian phối giống nhiều lần không đậu. Kết quả này đã giúp các nông hộ tin tưởng hơn và thay đổi dần phương thức chăn nuôi bò sữa để đạt hiệu quả cao hơn.

        3. Công tác chuyển giao giống cho các hộ chăn nuôi sữa

       Trong năm 2019, Trại đã chuyển giao cho 1 hộ chăn nuôi được 05 con bò hậu bị được chọn lọc từ gen bố mẹ có năng suất chất lượng cao thông qua hình thức đấu thầu. Năm 2020, 2021 do tình hình dịch bệnh nên chưa triển khai tiếp tục được. Dự kiến trong năm 2022 này sẽ tiếp tục triển khai, bên cạnh đó trại đã chuẩn bị ứng dụng công nghệ thông tin quét mã QR để truy suất nguồn gốc cho đàn bò giống cũng như thông tin tiểu sử, chất lượng năng suất sữa cho đàn bò giống khi được đưa ra ngoài thị trường.

       4. Công tác đào tạo, tham quan, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước

       Từ năm 2013 đến nay đã có 200 đoàn tham quan với hơn 3.450 lượt khách tham quan, học tập và 363 lượt sinh viên các trường đại học, cao đẳng thực hiện các chuyên đề và khóa luận tốt nghiệp tại trại DDEF.

       Thường xuyên phối hợp với các trường đại học như: Đại học nông lâm, Đại học Tiền Giang, Đại học Cần thơ… nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bò sữa. Hiện có 3 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tính như: Tạp chí chăn nuôi, tạp chí nông nghiệp và phát triển, tạp chí Journal of Dairy Science.

    Tổng thống Israel và phu nhân ghé thăm trang trại bò sữa


    Lễ Khánh thành Trại bò sữa

    Đón tiếp các đoàn khách tham quan nước ngoài

     

     

    Phối hợp với các Trường tham gia các Hội nghị khoa học

    Hướng dẫn sinh viên tham quan, thực tập

     

     

    Phối hợp với Trường trung cấp tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn

    Phối hợp với Trường trung cấp tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn

    Chia sẻ: