Nguyễn Văn Vinh, Đỗ Nữ Lệ Quyên, Nguyễn Mạnh Tuấn -
Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản
Trong những năm gần đây các nguồn gen bị thoái hóa do tác động của nhiều yếu tố như: Sự lẫn tạp, thoái hóa rất phổ biến trên quy mô lớn như năng suất giảm và không ổn định dẫn đến sự biến đổi di truyền từ quá trình tiếp xúc tự nhiên khiến nhiều nguồn gen bản địa bị pha tạp gây nguy cơ thoái hoá giống. Quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Những vấn đề này không chỉ xảy ra đối với các giống cây trồng mới mà còn cả giống địa phương lâu đời, đó cũng là nhóm có nguy cơ xói mòn nguồn gen cao, làm thiệt hại về năng suất, sản lượng, lãng phí công sức, tiền vốn đầu tư của người dân.
Giống bản địa là nguồn gen quý, tài nguyên địa phương quan trọng tuy năng suất không cao nhưng chất lượng tốt và mang các đặc trưng của giống. Quan trọng nhất là có khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của vùng, là nguồn vật liệu vô cùng quan trọng phục vụ cho việc chọn tạo giống. Trên thế giới, các nước đã và đang tăng cường công tác thu thập các nguồn giống rau hoang dại, bản địa có khả năng chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay nhằm đa dạng hóa nguồn vật liệu, nguyên liệu bổ sung những tính trạng quý mà các giống cây trồng còn thiếu.
Với những lý do trên và tính cấp thiết về sự da đạng sinh học, bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý bản địa, bản sắc địa phương, văn hóa tinh thần. Trung tâm Giống đã xác định mục đích, mục tiêu cần tiến hành như sau:
Một là bảo tồn và lưu giữ kịp thời các nguồn gen quý; phục hồi lại các tính trạng ưu việc về nông học, tính chống chịu, năng suất của các giống địa phương nhằm làm nguồn nguyên, vật liệu để tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động phát triển lĩnh vực giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng.
Hai là tuyên truyền giống rau địa phương gắn với văn hoá bản địa thông qua các mô hình du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử, kinh tế tập thể và doanh trại quân đội, kết hợp nông nghiệp đô thị gắn với văn hoá bản địa, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Ba là góp phần đẩy mạnh giá trị văn hóa, ghi dấu ấn về những sản vật quê hương trong lòng người dân và du khách bốn phương khi được chiêm ngưỡng và thưởng thức; nâng cao tính tự giác, trách nhiệm đối với không gian xanh ở các mô hình kinh tế tập thể, du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử và doanh trại Việt Nam.
Qua các năm triển khai hoạt động phục tráng các giống rau, hoa bản địa, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đã phục tráng thành công một số giống như: cải bẹ xanh Bình Chánh, đậu đũa Hóc Môn, đậu bắp Hóc Môn, bầu sao An Giang với các đặc tính, đặc trưng của giống, đã giới thiệu các giống gắn với văn hoá bản địa, đẩy mạnh giá trị văn hóa, giá trị tinh thần ghi dấu ấn về những sản vật quê hương trong lòng người dân và du khách bốn phương khi được chiêm ngưỡng và thưởng thức tại các điểm Trung tâm đã chuyển giao với chủng loại và số lượng sau:
- Hội thảo đánh giá giống cải bẹ xanh Bình Chánh tại Củ Chi; đã triển khai mô hình thử nghiệm cải bẹ xanh Bình Chánh tại ấp 1, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ngã Ba Giồng với số lượng hạt giống: Cải bẹ xanh Bình Chánh (1 kg), đậu bắp Hóc Môn (1 kg), dưa leo Củ Chi (0,5 kg), đậu đũa Hóc Môn (0,5 kg) và quy trình kỹ thuật trồng.
- Sư đoàn 9 - Quân đoàn 4 với số lượng hạt giống: Cải bẹ xanh Bình Chánh (1,8 kg), đậu bắp Hóc Môn (2 kg), dưa leo Củ Chi (0,5 kg), đậu đũa Hóc Môn (1,5 kg) và quy trình kỹ thuật trồng.
- Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng cung cấp cây con và kỹ thuật trồng các giống phục tráng vào các ngày lễ lớn trong năm chia vào các thời điểm.
+ Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023).
+ Kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023).
+ Kỷ niệm 83 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 – 23/11/2023).
+ Tết truyền thống, tết Nguyên Đán 2024
Kế thừa các kết quả đạt được, trong các năm kế tiếp Trung tâm giống tiếp tục thực hiện công tác sưu tập và phục tráng các giống đặc hữu, đặc trưng của vùng, miền địa phương để bảo tồn và duy trì, làm nguồn nguyên liệu cho công tác lai tạo giống. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục triển khai, chuyển giao, cung cấp các giống địa phương đã phục tráng thành công cho các công ty, khu du lịch, di tích, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân có nhu cầu.